Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã An Lâm - Huyện Nam Sách

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Xã An Lâm

​1- Vị trí địa lý:

An Lâm là một trong 19 đơn vị xã, thị trấn thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương nằm ở sát trung tâm huyện Nam Sách. Địa bàn xã có phía Bắc giáp xã An Bình và Quốc Tuấn, phía Đông giáp xã Phú Điền, phía Tây giáp xã Nam Trung, thị trấn Nam Sách phía Nam giáp xã Đồng Lạc.

202317174718.jpg 

Khu vực Trung tâm Văn hóa xã nhìn từ trên cao

An Lâm có diện tích tự nhiên 616,05 ha, có tổng số hộ 2455 với 8.246 nhân khẩu (tính đến ngày 31/10/2022) nằm quần tụ trong khoảng 05 km2; năm 2014 xã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận và là xã đầu tiên của huyện Nam Sách hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015. Năm 2019 thực hiện thành công việc sắp xếp sáp nhập 6 thôn cũ thành lập 3 thôn mới trên địa bàn xã. Sau khi thành lập các thôn mới, xã An Lâm có 6 thôn gồm: Bạch Đa, An Lương, Đông Nghĩa, Hoàng Dương, Cẩm Lý và Lang Khê. An Lâm nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai được hình thành bởi sự bồi lắng phù sa của các sông Thái Bình, Kinh Thầy và Lai Vu. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc thâm canh cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và phát triển một số ngành nghề khác.

2- Giao thông:

Địa bàn xã an Lâm hệ thống giao thông rất thuận lợi, có Quốc lộ 37, Huyện lộ 5B chạy qua và tuyến đường từ Quốc lộ 37 đi qua địa bàn thông tuyến xuống hai xã Phú Điền và xã Cộng Hòa; các tuyến đường trục xã liên kết đến các thôn đều được trải nhựa cứng, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

z4020659270313_a10e3980fec55348315baa273fc81114.jpg 

Đường giao thông nông thôn trên địa bàn An Lâm

3- Lịch sử hình thành:

An Lâm trước Cách mạng thuộc tổng An Lương, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương (xã An Lâm cộng thôn Nhân Lý và Đào thôn). Tổng An Lương có 9 xã: An Lương (đầu tổng), Bạch Đa, Nhân Lý (Si), Đồng Khê (Đồng Sớm), Lang Khê (có 3 thôn: Lang Khê, Cẩm Lý, Hoàng Giáp (Vàng)), Nghĩa Lư, Đông Lư, Nghĩa Khê (Xưa hay Đoàn), Nghĩa Dương (Bến). Trong 9 xã có tên tự, lại kèm tên nôm, có xã gọi tắt như: Cẩm Lý (Lý); Bạch Đa (thời vua Tự Đức nhà Nguyễn: Bạc Đa - Ngân khố gia vương (kho bạc nhà vua); An Lương (Mễ khố gia vương: Kho gạo nhà vua). Mỗi tên làng, tên xã có một sự tích lịch sử có ý nghĩa giáo dục. Đầu thập niên 60 do nhu cầu về phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã) làm chủ đạo, Nhà nước có chủ trương hợp nhất các hợp tác xã, địa phương được hình thành và có tên gọi là xã An Lâm thuộc địa giới hành chính của huyện Nam Sách.​

4- Phát triển kinh tế

Nghề lao động chính của người dân An Lâm là sản xuất nông nghiệp. Trước đây có nhiều nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng: Nghề đan khau ở Nghĩa Khê (nay là Đông Nghĩa); nghề nặn Tò Hoe ở Hoàng Giáp (nay là Hoàng Dương); nghề trồng củ Đậu (Bạch Đa), trồng Khoai lang(An Lương), trồng rau Cần (Cẩm Lý), làm Bún bánh (Lang Khê)...

Những năm gần đây kinh tế của An Lâm có tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ là: 11,4% - 46,3% - 42,3%.Thu nhập bình quân tính theo người /năm đạt 72 triệu đồng.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như: Vùng sản xuất trồng cây hành vụ Đông ở thôn An Lương (củ Hành được tổ chức FAO chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAPGiay chung nhan An Lam 0001.pdf)​, vùng cấy giống lúa Bắc Thịnh ở thôn Cẩm Lý (gạo Bắc Thịnh được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP),...

z4017223485823_58d51e313f698651eefaa615f65c92d4.jpg

 Gạo Bắc Thịnh (thôn Cẩm Lý) được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2022

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Đến nay, trên địa bàn xã có 55 doanh nghiệp đang hoạt động. Xã có làng Lang Khê được UBND tỉnh Hải Dương công nhận Làng nghề sản xuất Bún bánh năm 2010.

Cayhanh.jpg

Cánh đồng trồng cây hành ở thôn An Lương

Về xây dựng Nông thôn mới: Năm 2014, xã An Lâm là xã đầu tiên của huyện được tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến năm 2021, xã An Lâm được UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt Nông thôn mới nâng cao, năm 2022 đang hoàn thiện các tiêu chí hướng tới phấn đấu đạt Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.

5- Văn hóa

An Lâm là mảnh đất “nghìn năm văn hiến", có truyền thống hiếu học và khoa bảng, là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhân tài lỗi lạc, nhiều danh nhân văn hoá của quê hương, đất nước. Trong quá khứ, đất quê An Lâm (ở An Lương và đặc biệt ở Đồng Khê) đã sản sinh và đóng góp cho Đất nước hàng chục tiến sỹ, những danh nhân lịch sử giỏi về chính trị, quân sự qua các triều Lý - Trần - Hậu Lê như: Trạng nguyên Phạm Sùng Dĩnh (1487), Bạch Công Liêu, Nguyễn Văn Quảng, Phạm Sỹ Ngọc, Trần Văn Tường, Phạm Quỳnh, Nguyễn Công Giản, Mạc Văn Lăng, Phạm Công Dung, Phạm Nguyên Hoàng, Nguyễn Công Đổng …được sử sách lưu danh. Ngoài ra, còn có 03 vị được đặc phong tước quận công: Nguyễn Công Quế, Hoàng Tuấn tướng công. Đặc biệt bà Phạm Thị Lễ - Quận chúa là người có đức tài cao, chí lớn. Bà mồ côi cha mẹ từ sớm, không lấy chồng, ở nhà mở trường dạy học, nuôi dạy hai em trai học giỏi, làm nên sự nghiệp lớn trong xã hội. Lê Thánh Tông biết bà là người có tài, nên mời bà về cung để dạy các Thái tử và người trong Hoàng tộc. Khi qua đời, bà được nhà Vua gia phong: “Lễ nghi công đức trưởng tử học sĩ quận chúa phu nhân" …

Về hệ thống giáo dục: Trong giai đoạn cả Nước chống Mỹ cứu nước, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, song phong trào giáo dục của An Lâm vẫn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh, Trường phổ thông cấp I An Lâm - Lá cờ đầu của toàn Ngành giáo dục của tỉnh Hải Dương (1962). Đơn vị được công nhận Tổ Đội lao động xã hội chủ nghĩa 12 năm liền (1962 - 1975). Được Nhà nước tặng thưởng ba Huân chương lao động (02 hạng ba, 01 hạng hai). Trong giai đoạn hiện nay: Trường Mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I (Theo quyết định số: 2716/QĐ-UBND, ngày 02 tháng 8/2019 của UBND tỉnh Hải Dương). Trường Tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II (Theo quyết định số: 3457/QĐ-UBND, ngày 21 tháng 9/2018 của UBND tỉnh Hải Dương). Trường THCS An Lâm được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I (Theo quyết định số: 1322/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 4/2018 của UBND tỉnh Hải Dương).

Trạm y tế xã: Năm 2017 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Đến nay đã và đang duy trì tốt phong trào chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Người dân An Lâm cần cù, sáng tạo, giàu nghị lực, yêu quê hương đất nước, có cuộc sống văn hoá tinh thần rất phong phú. Ở hầu hết các làng trên địa bàn xã đều có Đình, Chùa, Đền, Nghè mới phục dựng với những kiến trúc đẹp, nét hoa văn tinh xảo. Trên địa bàn xã hiện có 01 di tích (Đình Nghĩa Khê thôn Đông Nghĩa) được xếp hạng cấp tỉnh, các di tích còn lại hằng năm đều được nhân dân đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo.

Trên địa bàn có 06 thôn (Bạch Đa, An Lương, Đông Nghĩa, Hoàng Dương, Cẩm Lý, Lang Khê) nhiều năm liền được UBND tỉnh và huyện công nhận đạt danh hiệu Làng văn hóa.

z4020474432116_fd1a6d0caacbc8139fdc417cc553e263.jpg

​ Đình xóm Nghĩa Khê (thôn Đông Nghĩa) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh

6- Truyền thống cách mạng

An Lâm là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc, An Lâm đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Toàn xã có 152 liệt sỹ, 55 thương, bệnh binh, 34 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Nghĩa trang liệt sĩ xã thường xuyên được chăm nom, tu bổ; các chính sách “đền ơn đáp nghĩa" được Đảng và Chính quyền địa phương đặc biệt trú trọng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ Chiến tranh biên giới phía Bắc (1979), xã An Lâm có 01 cá nhân đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đó là: Anh hùng liệt sỹ: Đỗ Chu Bỉ - Thôn An Lương, xã An Lâm.

z4020642123236_b7aaf810016a03b73d7c9d5b619bc2eb.jpg
Nghĩa trang liệt sỹ xã An Lâm

7- Tôn giáo:

Trên địa bàn xã hiện có 01 tôn giáo (Phật giáo) hoạt động được pháp luật công nhận. Bà con phật tử đoàn kết, chung sống hài hòa trong cộng đồng xã hội.

8- Về tổ chức đảng, đảng viên

Đảng bộ xã An Lâm được thành lập ngày 15/02/1947 (tiền thân là Chi bộ Đảng), tại Đền bà Hến (thôn An Lương), đến nay Đảng bộ xã có 11 Chi bộ Đảng trực thuộc (gồm 03 Chi bộ Nhà trường, 01 Chi bộ Công an, 01 Chi bộ Dân quân thường trực, 06 Chi bộ thôn), Đảng bộ hiện có 343 đảng viên. An Lâm là xã đầu tiên trong huyện thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Đảng bộ xã An Lâm có nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.​